5 kiến nghị của Hội Nghề cá về khai thác xa bờ
(Thủy sản Việt Nam) – Để thúc đẩy nghề khai thác hải sản xa bờ, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân. Tuy nhiên, trong Nghị định 17 mới đây, dù mới triển khai nhưng ngư dân đã gặp phải một số khó khăn.
Hội Nghề cá Việt Nam đưa ra kiến nghị nhằm tạo điều kiện cho ngư dân khai thác
Cụ thể, Nghị định số 17/2018/NĐ-CP tạo điều kiện thuận lợi cho những ngư dân có năng lực tài chính được chủ động đóng tàu vỏ thép, vỏ composite công suất từ 800 CV trở lên theo ý muốn và được Nhà nước hỗ trợ 35% sau đầu tư, không phụ thuộc nguồn vốn vay ngân hàng. Nếu ngư dân nào không đủ vốn tự có thì vẫn được vay ngân hàng theo lãi suất thương mại, thủ tục cũng sẽ đơn giản hơn. Thế nhưng thực hiện theo Nghị định này, đối với ngư dân không có tiềm lực tài chính, không có năng lực quản lý sẽ khó triển khai đóng tàu, khó tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ một lần sau đầu tư.
Hơn nữa, theo quy định tại khoản 20 Điều 1 Nghị định 17, sẽ được hiểu là bãi bỏ hỗ trợ nhiên liệu vận chuyển cho tàu dịch vụ hậu cần. Như vậy, sẽ gây khó khăn cho việc xây dựng mối liên kết chuỗi cho sản xuất trên biển xa. Chưa kể hiện nay hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, luồng lạch ra vào chưa đáp ứng được yêu cầu đối với đội tàu khai thác, nhất là không đáp ứng đòi hỏi quản lý tàu cá tại cảng theo yêu cầu của EC về IUU. Do đó, để tạo điều kiện cho ngư dân trong việc triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP và Nghị định 17/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 67, đồng thời thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg về thực hiện IUU, Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành 5 vấn đề.
Thứ nhất, cùng với chính sách hỗ trợ lãi suất sau đầu tư tạo thuận lợi cho những chủ tàu và ngư dân có năng lực về tài chính, đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ ngư dân được vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67 để đóng tàu khai thác và dịch vụ khai thác hải sản xa bờ. Đề nghị Bộ NN&PTNT có văn bản kịp thời hướng dẫn những vướng mắc của ngư dân trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 17, đồng thời rà soát bổ sung lại quy hoạch đội tàu khai thác hải sản xa bờ trên vùng biển của cả nước, làm cơ sở cho việc đầu tư của các địa phương. Về chính sách vay vốn lưu động, đề nghị Ngân hàng Nhà nước có cơ chế cho vay dài ngày hơn đối với chủ tàu khai thác và tàu dịch vụ khai thác để phù hợp với chuyến biển khai thác xa bờ của ngư dân.
Thứ hai, đối với tàu dịch vụ hậu cần cho phép hỗ trợ đóng tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên (thay cho 800 CV trở lên theo quy định tại khoản 1 Điều 4a). Vì tàu dịch vụ hậu cần không nhất thiết phải có công suất từ 800 CV trở lên.
Thứ ba, đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư nâng cấp hoàn thiện hệ thống cảng cá và khu neo đậu cho tàu cá. Cùng đó, Bộ NN&PTNT nghiên cứu, xây dựng mẫu thiết kế tàu phù hợp với nghề đánh bắt ở các vùng biển xa bờ đảm bảo đồng bộ, hiện đại và công nghệ bảo quản sản phẩm tiên tiến, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tăng cường chỉ đạo hướng dẫn các địa phương tổ chức tốt việc ghi chép truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác và tăng cường công tác quản lý nghiêm hoạt động khai thác hải sản.
Thứ tư, đề nghị có chủ trương và chính sách trong việc tổ chức đào tạo đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng, cán bộ kỹ thuật cho tàu cá theo một kế hoạch cụ thể căn bản nhằm phát huy hiệu quả lâu dài cho đội tàu khai thác xa bờ, chứ không chỉ bằng các cuộc tập huấn ngắn, hướng dẫn có tính chất giải quyết tình thế như hiện nay.
Thứ năm, trong những năm gần đây phía Trung Quốc và một số lực lượng của nước ngoài thường xuyên tấn công uy hiếp, cướp phá tài sản và đe dọa tính mạng của ngư dân ta hoạt động đánh bắt hải sản trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Các tàu cá bị đâm húc, thiệt hại về tài sản và tính mạng ngư dân, chỉ mới một số ít ngư dân được hỗ trợ tự phát từ các tổ chức, cá nhân làm từ thiện, còn thiếu chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho các ngư dân bị thiệt hại để khắc phục hậu quả do bị các lực lượng nước ngoài tấn công. Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị Chính phủ có chỉ đạo các Bộ ngành và cơ quan chức năng tăng cường biện pháp hỗ trợ ngư dân và ban hành chính sách hỗ trợ đối với những thiệt hại về người và tài sản của ngư dân khi hoạt động trên vùng biển chủ quyền Việt Nam bị các lực lượng Trung Quốc và nước ngoài tấn công.