Quyết tâm gỡ “thẻ vàng” thủy sản vào năm 2022

Quyết tâm gỡ “thẻ vàng” thủy sản vào năm 2022

(TSVN) – Sáng 13/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU), đã có cuộc họp trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Đây là cuộc họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU sau khi được kiện toàn theo Quyết định số 939/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 14/6/2021 và là cuộc họp thứ 5 kể từ khi thành lập (năm 2019).

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhận định, cuộc họp nhằm đánh giá tình hình thực hiện theo khuyến cáo của EC và đưa ra các giải pháp thời gian tới với tinh thần sớm gỡ “thẻ vàng”, tuyệt đối không để bị áp dụng “thẻ đỏ”. Bên cạnh thảo luận về kết quả cũng cần chỉ ra những hạn chế, những điểm cố gắng phấn đấu nhưng chưa đạt được, nhất là các nguyên nhân để có giải pháp hiệu quả xử lý dứt điểm các vấn đề, nhất là tình trạng đánh bắt bất hợp pháp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì Cuộc họp; Ảnh : C.P

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì Cuộc họp; Ảnh : C.P

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, từ năm 2020 đến nay, kết quả thực hiện 4 nhóm khuyến nghị của EC thường xuyên được Bộ cập nhật, báo cáo EC. Hằng năm, Bộ tổ chức trên 10 đoàn công tác đi kiểm tra tại 28 tỉnh, thành phố ven biển. Kết quả triển khai các quy định về chống khai thác IUU đã có sự chuyển biến hơn so với trước như kết quả lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá, đánh dấu tàu cá đã có sự tiến bộ rõ rệt. Đã xây dựng được cơ sở dữ liệu tàu cá (đăng ký, đăng kiểm, cấp Giấy phép khai thác thủy sản) kết nối từ Trung ương đến địa phương. Tính đến 30/6/2021, việc lắp đặt VMS trên tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên có tín hiệu trên Hệ thống giám sát hành trình tàu cá là 26.915 tàu (đạt 87,45%). Số lượng tàu cá đã thực hiện đánh dấu theo quy định là 85.620 tàu, đạt 90,53%. Hiện cả nước có tổng cộng 49 cảng được chỉ định đủ điều kiện cho công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác cho tàu cá Việt Nam cập cảng bốc dỡ thủy sản.

Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, phía EC đã đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các giải pháp chống khai thác IUU; khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ và đang đi đúng hướng; ghi nhận và đánh giá cao thiện chí, tinh thần hợp tác, sự minh bạch và trung thực của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, trao đổi giữa hai bên về kết quả triển khai chống khai thác IUU, Thứ trưởng Tiến thông tin.

Hội nghị cũng đã nhận được nhiều tham luận tâm huyết của các bộ, ban, ngành và địa phương đánh giá những hạn chế, nguyên nhân tồn tại và đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng đánh bắt hải sản trái phép, tàu Việt Nam xâm phạm vùng biển nước ngoài. Như: Sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn chung về thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá và quy định cụ thể trách nhiệm của đơn vị cung cấp trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình tàu cá bị hỏng do lỗi kỹ thuật; tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác thủy sản; xây dựng chương trình điều tra, nghiên cứu, đánh giá nguồn lợi hải sản định kỳ và điều tra nghề cá thường niên theo Luật Thủy sản 2017; sớm xây dựng Đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt…

Định hướng về các giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương là giảm dần số lượng tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về chống khai thác IUU và chấm dứt tình trạng này vào năm 2022 để gỡ “thẻ vàng” của EC. Tuyệt đối không để tình trạng tiếp tục vi phạm dẫn tới bị áp “thẻ đỏ”. Với mục tiêu trong năm 2021 giảm ít nhất 40% số tàu cá vi phạm, đến tháng 10/2022 chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài thì việc nâng cao nhận thức của ngư dân là rất quan trọng; theo đó, phải tăng cường công tác thông tin, giải thích pháp luật, vận động ngư dân thay đổi thói quen, nhận thức rõ các hành vi vi phạm, tuyệt đối tuân thủ các quy định về khai thác thủy sản. Hệ thống chính trị của 28 tỉnh, thành phố ven biển phải làm tốt công tác này, có tác dụng hơn nhiều biện pháp xử phạt. Ngoài ra, phải rà soát, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo phòng chống khai thác IUU một cách hiệu quả. Cùng đó, cần có hành lang pháp lý phù hợp thì cần tổ chức thực thi pháp luật cho tốt, nếu không xử lý nghiêm minh, triệt để thì mất hiệu lực.

An An

Author

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Enter your keyword