Quyết liệt khắc phục ‘thẻ vàng’ EU

Quyết liệt khắc phục ‘thẻ vàng’ EU

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chống đánh bắt bất hợp pháp đã nằm Luật Thủy sản 2017, do đó các địa phương không thể không quyết liệt thực hiện…

Quyết liệt khắc phục 'thẻ vàng' EU
Hình ảnh buổi làm việc của Bộ NN-PTNT với tỉnh Bình Định 

Sáng 13/8, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn dầu đã về làm việc tại Bình Định kiểm tra tình hình thực hiện Luật Thủy sản 2017 và kết quả triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Để cùng rút kinh nghiệm, lãnh đạo Sở NN-PTNT 6 tỉnh khu vực Nam Trung bộ cũng tham dự buổi làm việc.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định báo cáo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về công tác triển khai Luật Thủy sản 2017. Theo ông Hổ, Bình Định đang tập trung công tác quản lý khai thác thủy sản và hoạt động tàu cá. Trong đó, tập trung rà soát, xây dựng đề án chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân, chuyển các phương tiện đánh bắt không được phép; hạn chế việc cấp phép đóng mới tàu cá cho đến khi Bộ NN-PTNT ban hành giấy phép khai thác thủy sản cho tỉnh. Bình Định cũng đang xây dựng đề án thành lập Trung tâm Đăng kiểm tàu cá và kêu gọi xã hội hóa thành lập các Trung tâm Đăng kiểm tàu cá nếu đủ điều kiện; tình hình nuôi biển và đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Ông Hổ báo cáo với Bộ trưởng rất kỹ về cách Bình Định thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định IUU theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu, Chỉ thị 45/CT-TTg, Quyết định 78/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo ông Hổ, tàu cá của ngư dân Bình Định hoạt động theo kỳ trăng nên số tàu xuất cập bến tập trung nhiều chỉ khoảng 12 ngày trong tháng, trong khi nhân lực quá thiếu, nên việc kiểm tra gặp nhiều bất cập. Bên cạnh đó, nhiều tàu cá thiếu giấy tờ theo quy định, có đến 48% tàu cá bị trễ hạn đăng kiểm, giấy phép khai thác, giấy chứng nhận VSATTP nên không thể cấp giấy xác nhận xuất nhập bến. Đặc biệt, ngư dân Bình Định chưa quen với việc khai báo tàu cá xuất nhập bến, báo trước 1 giờ và ghi chép nhật ký khai thác, báo cáo khai thác từng chuyến biển…

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nhận khuyết điểm trước Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường về tàu cá Bình Định vẫn còn vi phạm khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài. Từ đầu năm đến nay, có 13 tàu cá với 107 thuyền viên Bình Định bị nước ngoài bắt giữ, trong đó Malaysia bắt 11 tàu/95 thuyền viên, Indonesia bắt 2 tàu/12 thuyền viên. Đáng quan ngại là có 8 tàu cố tình vi phạm và 5 tàu hoạt động khai thác trong vùng biển chồng lấn ở phía Nam.

“Khi bắt giữ, các nước Malaysia, Indonesia phạt ngư dân từ 3 đến 8 tháng tù, tất cả tài sản bị tịch thu, khi về nước chủ tàu trắng tay, không còn khả năng nộp phạt. Một số trường hợp chủ tàu thuê thuyền trưởng đi khai thác xảy ra vi phạm, khi ngành chức năng xử lý thì chủ tàu không đồng thuận với lý do không khuyến khích thuyền trưởng vi phạm. Hơn nữa, công tác thu thập chứng cứ để xử lý vi phạm gặp khó khăn, vì khi tàu cá bị nước ngoài bắt, cơ quan chức năng chỉ nhận được thông báo qua đường ngoại giao, chứ không nhận được biên bản”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng trình bày.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chống đánh bắt bất hợp pháp đã nằm Luật Thủy sản 2017, do đó các địa phương không thể không quyết liệt thực hiện.

“Bộ NN-PTNT đang phối hợp với 2 tỉnh Bình Định và Kiên Giang, đây là 2 địa phương có số lượng tàu cá lớn, đặc biệt là lực lượng tàu cá công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ.

Đây cũng là 2 địa phương trước đây có số lượng tàu cá vi phạm đánh bắt bất hợp pháp, nếu giải quyết đột phá được 2 tỉnh này theo hướng khai thác có trách nhiệm, theo chuỗi, Việt Nam sẽ thúc đẩy được ngành thủy sản đi theo hướng bền vững”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, Bộ NN-PTNT đang tích cực cùng các địa phương xây dựng kế hoạch thật căn cơ, bao gồm biện pháp hoàn thiện công tác quản lý, thiết chế cơ sở hạ tầng nghề cá và đồng bộ các giải pháp làm sao để Nhà nước và nhân dân cùng thực hiện cho được Luật Thủy sản 2017.

Không thể tránh khỏi khó khăn khi chuyển nghề cá nhân dân sang nghề cá hiện đại, nhưng theo Bộ trưởng, ngành thủy sản Việt Nam phải tuân thủ mục tiêu chiến lược xây dựng nghề cá thành ngành kinh tế bền vững. Muốn được vậy, cần cả hệ thống chính trị từng địa phương vào cuộc, ngư dân cùng góp tay. Được như vậy, từng ngư dân cho đến doanh nghiệp và cả quốc gia đều được hưởng lợi ích. Nếu gặp khó khăn, từng địa phương phải có những bước đột phá vào những việc cần làm trước để tháo gỡ.

Vũ Đình Thung – Ngọc Khanh 
Theo Báo Nông Nghiệp

Author

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Posts

Enter your keyword